Thông thường mọi người rất dễ dàng "chấp nhận" những tác phẩm khoả thân
đã trở thành kinh điển như Thần vệ nữ ở Milo (Hy Lạp cổ đại), David
(Michel Ange-Ý-thời Phục hưng), Nụ hôn (Auguste Rodin-Pháp-TK 19) v.v...
Ở những tác phẩm này,tính chắt lọc và sự hài hòa về hình thể đã làm
thăng hoa các cảm nhận. Thân xác trở thành hiện thân của vẻ đẹp tinh
thần cường tráng, lành mạnh. Gần đây,ở Trung Quốc, nhiều phòng tranh
khỏa thân cũng được nhìn nhận theo hướng này.
Tuy nhiên, nếu xem các cảm nhận trên là tiêu chuẩn duy nhất và tột
cùng để thẩm định tranh, tượng khỏa thân thì e rằng đã vô tình đơn giản
hóa quan niệm về đặc trưng và chức năng nghệ thuật, xem yếu tính nghệ
thuật chỉ là cái đẹp với cảm thức lãng mạn...
Thực tế, từ
khi Chủ nghĩa hiện thực ra đời, các nghệ sĩ đặt tầm nhìn trực diện hơn
với cuộc đời. Tranh tượng khỏa thân đã không còn thoát tục, ca ngợi vẻ
đẹp thuần khiết của thiên nhiên nữa. Thân xác con người chỉ còn là
chất liệu cho biểu hiện nghệ thuật.Gustave Courbet đã vẽ những thân xác
trong ý nghĩa nó là tự nhiên cần được nhìn nhận hồn nhiên. Những tác
phẩm khỏa thân của Gustave Courbet luôn khơi dậy những ý tưởng nhân
bản: Sự thừa nhận con người bắt đầu tự sự tôn trọng thân xác của họ.
Sau Gustave Courbet, các họa sĩ hiện đại đã trừu tượng hóa dần thân xác
con người trong biểu hiện nghệ thuật. Thân xác là một trạng thái vật
chất-sự khỏa thân thể hiện tính nguyên sơ-có thể là nơi trú ngụ bình
yên hoặc có thể là nơi giam hãm đời sống tinh thần con người. Nếu những
thiếu nữ Tahiti chắc nịch của Paul Gauguin gợi cảm giác về sự thăng
bằng, tĩnh tại của con người trong tư thế hòa nhập với thiên nhiên, thì
những cơ thể già nua, dúm dó trong tranh Vincent Van Gogh lại gợi cảm
tưởng về sự chênh vênh, bi đát của con người trong bối cảnh xã hội tù
túng, bệ rạc... Bước qua thế kỷ 20, sự trừu tượng hóa thân xác con
người ngày càng trở nên riết róng hơn. Qua diễn tả thân xác, các họa sĩ
đã biểu hiện sự gào thét của một tinh thần cùng quẫn trước sự tàn phá
của chiến tranh và sức ép của chế độ kỷ trị. Với Pablo Picasso, những
thân xác tục tằn hay vỡ nát không gì khác hơn là biểu hiện cho sự sa
đọa của con người phương Tây trong trạng thái vong thân-chỉ còn là
những mảnh vật chất đồng nhất sa lầy trong nhục thể. Với Salvado Dali,
những thân xác nhễu nhão, nhày nhụa cũng có ý ngĩa tương tự-con người ở
đây hiện diện như một sự bày đặt đầy chất bi hài...
Nói chung, khảo qua lịch sử mỹ thuật thế giới, hẳn thấy vấn đề
tranh, tượng khỏa thân không đơn giản chỉ là chuyện thanh với tục mà
chính yếu là ở các nguyên cớ hiện thực hình thành tác phẩm và ý nghĩa
biểu hiện. Bởi vậy, nếu sẳn định kiến người thưởng ngoạn chỉ lẩn quẩn
quanh quan niệm thanh với tục trong tranh, tượng khỏa thân, làm nghèo
nàn đời sống tinh thần của bản thân mình. Và nguy cơ với các họa sĩ
cũng vậy.
Nguyên Hưng
Đã in trong sách: "Họa sĩ, kẻ sáng tạo nên mình"-NXB Mỹ Thuật, 2002
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét