11/7/13

Vài ghi chú về Body Art

1. Body Art, có thể hiểu đơn giản là thứ nghệ thuật lấy bản thân cơ thể con người làm phương tiện hay chất liệu biểu hiện. Truy tìm gốc gác là chuyện vô cùng, nhưng xét như một khuynh hướng nghệ thuật, nó ra đời ở Mỹ từ những năm 1960 của thế kỷ 20 và nhanh chóng phát triển ra khắp nơi, gắn liền với phong trào hippy, phong trào nữ quyền, phong trào đồng tính v.v… Nói chung, là những phong trào giải phóng cá nhân ra khỏi các định kiến xã hội…

Ở nhiều nơi trên thế giới, trong giai đoạn đầu tiếp nhận, bởi những thứ “gắn liền” mà tôi nhấn mạnh ở trên, nhiều người cũng ái ngại trước hình thức nghệ thuật này. Nó thách thức những giá trị được cho là truyền thống. Đến nay, hầu như mọi chuyện đã trở thành (quá) bình thường. Hay hoặc dở, không còn vì nó là Body Art nữa, mà tùy vào ý tưởng và hình thức thể hiện…



2. Có người hỏi: Body Art có quan hệ như thế nào với nghệ thuật xăm mình (Tattoo), với nghệ thuật vẽ lên mình (Body Painting)? Nhiều người cho xăm mình, vẽ lên mình là những hình thức thể hiện chủ yếu của Body Art. Đã vậy thì, thứ nhất, lịch sử Body Art phải xa xôi hơn chứ? Thứ hai, bởi người Việt xưa vốn có văn hóa xăm mình, nên Body Art đâu phải là cái gì quá xa lạ với truyền thống văn hóa Việt Nam?

Xăm mình, vẽ lên mình có lâu lắm rồi, và được xem là những tập tục. Xăm mình gắn liền với văn minh sông nước. Vẽ lên mình gắn liền với văn hóa “thổ dân”. Đại thể, đó là những thuật ngụy trang - trong trạng thái đứt gãy về mặt tư duy - nhằm thích nghi với môi trường sống nhiều ưu đãi nhưng cũng lắm thách thức của người xưa. Với người sống ở môi trường sông nước, xuống nước thì mới có cái ăn, nhưng xuống nước là đụng độ với thuồng luồng, cá sấu và bao nhiêu loài thủy quái hung ác khác - những thế lực vượt quá sức chống đỡ… Thua, nên phải “thần phục”, phải “tôn thờ”, phải tự biến mình trở thành “thần dân”. Xăm mình như một phép hóa thân - tự đồng hóa - là sự khôn ngoan hèn yếu của con người trong nỗ lực thích nghi để tồn tại… Trong cái nhìn chính trị hóa, nó được điển chế hóa thành tập tục. Xăm mình trở thành những chỉ hiệu tượng trưng - để đánh dấu sự trưởng thành, để các thành viên trong từng cộng đồng nhận diện ra nhau, và phân biệt với những cộng đồng khác… Các băng đảng về sau sử dụng xăm mình, chủ yếu ở khía cạnh điển chế hóa này. Xăm mình trở thành một cam kết, một trói buộc.



Với vẽ lên mình cũng vậy. Nói chung, từ mục đích đến ý nghĩa, cả xăm mình lẫn vẽ lên mình xưa chẳng dính líu gì đến nghệ thuật. Ngay cả khi nó gắn liền với phong trào hippy, phong trào nữ quyền v.v…, thì về đại thể, vẫn không khác. Khác, chỉ ở sự đảo ngược mục đích, ý nghĩa. Trước, đó là một cam kết hòa nhập, giờ, đó là một tuyên bố ly khai; trước, đó là một dấu hiệu tập thể, giờ, đó là một khẳng định cá nhân v.v… Xăm mình, vẽ lên mình chỉ được xem là hình thức nghệ thuật, nhập vào trào lưu Body Art, khi nó được nhìn nhận, được thể hiện dưới cái nhìn nghệ thuật. Cái nhìn, chỉ có thể phát triển từ những năm 1960, khi mà giới nghệ sĩ đã có thể tùy ý lựa chọn phương tiện, chất liệu vượt qua mọi quy ước truyền thống, và, khi mà môi trường xã hội đã sẵn sàng một không gian dung chứa: các phong trào giải phóng cá nhân…



Ở Việt Nam, không chỉ với Body Art, mà cả với Installation, với Performance, nhiều người, vẫn cứ nhận vơ nguồn gốc về mình. Thực tế, nếu không mù mờ thì đây chỉ là trò “đánh lận con đen”. Kiểu gì cũng hết sức ‘nguy hiểm”. Nó làm lẫn lộn mọi thứ, xóa nhòa các quy ước giá trị v.v… Xăm mình trong tư duy người Việt xưa, nếu được kế thừa bây giờ, thì đã hiện hình trong các kiểu phục trang, các cách hành xử, các ý niệm về phong cách và các giải pháp PR này nọ v.v… chứ không phải là qua các hình thức xăm mình! Xăm mình, vẽ lên mình - Body Art nói chung - hiện tại, là câu chuyện khác, cần được nhìn nhận cách khác.



3/ Có người hỏi "Body Art có sexy quá không?"

Body Art quá sexy ở điểm nào? Ở sự phơi bày thân thể. Coi chừng! Thứ nhất, phơi bày thân thể chưa chắc đã là sexy. Có quá nhiều ví dụ trong nghệ thuật để chứng minh điều này. Ngược lại, sexy, chưa chắc đã cần đến sự phơi bày thân thể. Trong thế giới hình ảnh chung quanh được nhìn thấy hàng ngày, ai cũng dễ dàng cảm nhận, nhiều khi, chỉ cần một ánh mắt, một bờ môi, một chút da thịt để lộ… đã rất sexy. Tóm lại, Body Art có sexy hay không là tùy vào quan điểm và cách thể hiện… Thứ hai, phải chăng sexy là xấu xa, đồi bại? Cần phải thành thật với nhau rằng, sex là một phần trong đời sống và sexy là một chất men không thể thiếu. Không có một thiết chế văn hóa nào, kể cả tôn giáo, có thể loại trừ mà chỉ có thể điều tiết. Và điều tiết, từ lâu nhân loại đã biết, bên cạnh việc tạo ra hiểu biết đầy đủ bằng giáo dục, còn cần đến sự thanh lọc của nghệ thuật. Ở Việt Nam, Body Art với các hình thức phổ biến như xăm mình, vẽ lên mình, trước khi là một hiện tượng nghệ thuật, đã là một hiện tượng xã hội. Việc ủng hộ Body Art lúc này, không phải là mở đường cho các ứng xử lệch lạc mà sẽ có tác dụng điều chỉnh… Thứ ba, nếu nhìn thẳng vào các chương trình biểu diễn Body Art ở khắp nơi, điều dễ dàng nhận thấy, là khi lấy thân xác làm phương tiện hay chất liệu biểu hiện, các nghệ sĩ đã mang lại bao nhiêu khám phá mới mẻ, độc đáo về cuộc sống và về khả năng sáng tạo của con người, xóa nhòa mọi ám ảnh hay mặc cảm về thân xác. Nếu so với các chương trình biểu diễn thời trang áo tắm, chương trình thi hoa hậu bikini…, không chừng, Body Art lại ít sexy hơn!...





Nguyên Hưng




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét